Logo

KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ: VẸN NGUYÊN NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC VỚI TRUYỀN THỐNG "UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN"

26/07/2024|.24902
.

Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hằng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để những người con đất Việt nghiêng mình tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn tới các bậc tiền nhân, các vị anh hùng cách mạng đã cống hiến cả tuổi xuân, máu thịt của mình để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Khắc ghi lịch sử hào hùng ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Quân và dân ta với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược, giữ vững thành quả cách mạng. Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống, để lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường khốc liệt vì hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc”. 

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL về chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Ðây được xem là văn bản pháp quy đầu tiên về chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh toàn quốc" để đồng bào ta có dịp bày tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Thực hiện Chỉ thị của Bác, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp đã dự một cuộc họp do cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam tổ chức tại Đại Từ (Thái Nguyên), nhất trí chọn ngày 27/7 hằng năm làm "Ngày Thương binh toàn quốc" và được tổ chức lần đầu vào ngày 27/7/1947 (đến năm 1955 đổi tên thành Ngày Thương binh Liệt sĩ). Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành một ngày có ý nghĩa lịch sử, một nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Với dân tộc Việt Nam, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp được hun đúc qua nhiều thế hệ. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở toàn Ðảng, toàn dân ta về những công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ, những người đã vì nền độc lập, tự do của dân tộc mà bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. 

Kể từ khi ra đời đến nay, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 càng làm sáng rõ hơn truyền thống quý báu ấy của dân tộc, trở thành một ngày lễ thiêng liêng, một nét đẹp văn hóa trường kỳ, thấm nhuần tư tưởng đạo lý “Hiếu nghĩa bác ái”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của đất nước. Đây là cơ hội để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, về lòng biết ơn đối với những vị anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ nền hòa bình Việt Nam. 

Ngày nay, mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhân dân được sống trong hòa bình nhưng trên khắp dải đất hình chữ S vẫn còn nhiều anh hùng, thương binh với cơ thể không lành lặn, vẫn sống kiêu hãnh như một minh chứng cho những năm tháng hào hùng xả thân vì dân, vì nước. Để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua đã có những chính sách ưu tiên về cả vật chất lẫn tinh thần đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều công việc để “đền ơn đáp nghĩa” như: Tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ. Đây là những hoạt động thiết thực nhằm góp phần góp phần hỗ trợ gia đình của những thương binh, liệt sĩ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, đồng thời củng cố lòng tự hào về truyền thống vẻ vang và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc giáo dục người trẻ về truyền thống yêu nước, “Uống nước nhớ nguồn” cũng là một phần trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta nhằm lan tỏa lòng biết ơn sâu sắc qua nhiều thế hệ. Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức cho học sinh tham gia nhiều hoạt động thiết thực để bày tỏ lòng thành kính như: lao động, tổng vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ, tham gia dâng hoa, dâng hương cùng các lãnh đạo địa phương, đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách, thắp nến hoa đăng, thắp hương từng phần mộ liệt sĩ… 

Không chỉ trường học mà các công ty, đoàn thể cũng góp phần giáo dục lớp trẻ thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện mang nhằm khơi dậy lòng biết ơn đối với những người có công với đất nước. Công ty TNHH Đầu tư Giáo dục Trạng Nguyên với sứ mệnh đào tạo học sinh Việt Nam trong thời đại mới hiện đại nhưng vẫn thấm nhuần bản sắc dân tộc đã xây dựng những khóa học, những sân chơi bổ ích, mang đậm dấu ấn truyền thống của đất nước giúp các em học cách nâng niu những giá trị văn hóa cốt lõi ngay từ khi còn nhỏ. Thế hệ trẻ khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã góp phần kết nối quá khứ hào hùng với cuộc sống hiện tại, không ngừng nuôi dưỡng khát vọng về một tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam – nơi có những con người đã kiên cường chiến đấu để một ngày được thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa bầu trời của nền độc, tự do muôn đời.

Nhân lễ kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Trạng Nguyên nghiêng mình bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc tới những người anh hùng đã không tiếc đời mình kiên cường chiến đấu, hóa thân làm nên dáng hình Tổ quốc.