THAY VÌ NÓI “KHÔNG”, CHA MẸ NÊN LÀM GÌ?


Trong hành trình nuôi dạy con khôn lớn, sự đồng cảm, thấu hiểu của cha mẹ chính là niềm động viên to lớn giúp trẻ có thể trưởng thành mạnh khỏe và hạnh phúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, có không ít bậc phụ huynh đã vô tình nói “không” để từ chối mọi đề nghị của con. Điều này sẽ dần hình thành tâm lý tự trách ở trẻ, khiến các em trở nên thu mình và không dám bày tỏ suy nghĩ của mình đối với cha mẹ.
Thay vì nói “không”, các bậc phụ huynh có thể thay đổi cách thức giao tiếp với con để vừa bảo vệ lập trường của mình, vừa tránh bất đồng quan điểm với con.
Giải thích lý do
Cha mẹ không nên cấm đoán trẻ mà hãy giải thích cho trẻ hiểu lý do tại sao hành vi đó không phù hợp hoặc nguy hiểm kết hợp sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Ví dụ: Khi con chưa có đủ kiến thức và nhận thức về tầm nguy hiểm của việc tiếp xúc với các nguồn điện trong gia đình như ổ điện, thay vì nói: "Không được chạm tay vào ổ điện!", cha mẹ hãy nói: "Ổ điện rất nguy hiểm, con có thể bị giật nếu chạm tay vào. Con cần gì có thể nhờ mẹ giúp đỡ để an toàn hơn nhé!".
Đề xuất giải pháp thay thế
Thay vì chỉ nói "không", cha mẹ có thể cung cấp cho trẻ những lựa chọn hành vi phù hợp và an toàn hơn. Điều này giúp trẻ có quyền tự chủ và học cách tự mình đưa ra quyết định.
Ví dụ: Khi giảng bài nhiều lần mà con vẫn chưa hiểu, thay vì nói: “Làm lại ngay. Lần này mà không làm được thì đừng trách”, cha mẹ hãy nói: “Bài này khó quá con nhỉ? Chúng ta hãy nghỉ 10 phút rồi cùng nhau làm lại lần nữa nhé!”
Sử dụng ngôn ngữ tích cực
Việc nói “không” với mọi yêu cầu của trẻ, cha mẹ hãy tập trung vào những hành vi mong muốn và khen ngợi khi trẻ thực hiện tốt, nhằm giúp trẻ hình thành động lực và lặp lại hành vi tích cực.
Ví dụ: Khi con có hành vi muốn xé sách để làm đồ chơi, thay vì nói: “Con không được xé sách”, cha mẹ hãy nói: “Sách là người bạn tốt đem tới nhiều kiến thức, chúng ta cùng dùng giấy thủ công thay vì sách nhé”.
Lắng nghe và thấu hiểu
Cha mẹ bận rộn đến mấy cũng nên dành thời gian lắng nghe con chia sẻ lý do tại sao con muốn làm điều đó. Đây chính là một trong những cách để giảm bớt sự phản kháng ở trẻ. Việc thấu hiểu con sẽ giúp cha mẹ đưa ra những phản hồi phù hợp và hiệu quả hơn.
Thay đổi cách nói “không” với con là cả một hành trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ của cha mẹ. Mặc dù còn nhiều thử thách nhưng cha mẹ hãy thấu hiểu và đồng hành để con có thể phát triển toàn diện trong một môi trường mạnh khỏe, hạnh phúc.
Hy vọng rằng những chia sẻ trên của Trạng Nguyên sẽ đồng hành cùng ba mẹ trong hành trình khôn lớn và phát triển của con!
Xem thêm các tin tức giáo dục tại: https://trangnguyen.edu.vn/tin-tuc/
TIN XEM NHIỀU


THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ LỄ RA MẮT TRẠNG NGUYÊN 4.0
